CÁCH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CUỘC ĐỜI

Bạn có bao giờ bị nhà tuyển dụng đánh trượt khi hỏi về định hướng nghề nghiệp mình chưa? Câu hỏi vì sao bạn chọn nghề này và kế hoạch định hướng cho 5 năm tới? Lấp lửng không biết mình sẽ làm gì, đã làm được gì và cuối cùng mình đang làm gì và để làm gì? Tất cả những suy nghĩ mông lung này sẽ làm cho nhà tuyển dụng thấy bạn không có định hướng cũng như không có sự chuẩn bị kế hoạch cho cuộc đời.

 Kế hoạch chính là tấm bản đồ vẽ ra những đoạn đường đi cụ thể để đạt tới đích.

Có người đi tới đích bằng xa lộ thẳng tắp - ví dụ như được cha mẹ có đủ điều kiện cho ta ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng đa số chúng ta phải chọn những con đường ngoằn ngoèo -  ví dụ như phải vừa học vừa làm, phải nghỉ vài năm giữa hai thời kỳ học để tích lũy tiền đóng học phí.Những đoạn đường nhỏ này cũng phải được vẽ trên bản đồ để ta có thể dự trù, tính toán để không bị động trong kế hoạch.

Bạn đã có “tấm bản đồ” cho cuộc đời mình chưa?
 

 

Lập kế hoạch cho cuộc đời

Đã nói đến bản đồ là nói đến đường đi nước bước. Có con đường thẳng tắp để đi đến đích, có con đường ngoằn ngoèo và nếu chịu khó nghiên cứu ta thấy thêm những con đường tắt… vô vàn đường đi, ta phải biết quyết định hướng đi và quyết định đi theo con đường nào. Bạn biết cách lựa chọn đường đi thuận lợi nhất cho mình, hãy kiên trì sẽ thấy được điều lý thú. Nếu bạn chấp nhận để cho cuộc sống chỉ mang lại cho bạn những thứ không có gì là mới mẻ thì bạn sẽ chỉ cứ thế trôi dạt theo dòng chảy của cuộc sống. Không phải tất cả các tấm bản đồ đều dẫn đến kho báu. Nhưng ít nhất bạn sẽ chộp được cơ hội tốt hơn nếu bạn có bản đồ kho báu và một chiếc xẻng thay cho việc bạn chỉ đào bới một cách vô định hoặc như hầu hết những người khác, bạn chẳng hề chạm vào chiếc xẻng. 

 

Để lập được một kế hoach cho cuộc đời, bạn cần chú ý đến những điều sau:

* Định hướng cuộc đời: Bạn phải suy nghĩ nghiêm túc xem mình muốn trở thành người như thế nào ở cuộc đời này? 5 - 10 năm nữa, bạn là ai? Có như vậy, bạn sẽ vẽ chính xác đường bản đồ cuộc đời của mình

 

* Chia định hướng cuộc đời thành những mục tiêu nhỏ hơn: Những mục tiêu này được thực hiện theo từng giai đoạn thời gian. Bản đồ được hoàn thành chính là những kế hoạch trong tương lai, những bài học kinh nghiệm ở quá khứ và những thách thức phải đối mặt với hiện tại.

Các nhà khoa học cho rằng - Có kế hoạch là đã đi được 2/3 đoạn đường. Nếu không có sẵn bản đồ ta sẽ mất nhiều công sức và thời gian để mò mẫm.

 

* Kế hoạch phải khả thi: Bạn sẽ không với quá cao để rồi nếu không đạt được sẽ thất vọng và chán nản bỏ cuộc. Bạn phải tự biết khả năng của chính mình, mặt mạnh lẫn mặt yếu. Bạn phải trả lời cho mình các câu hỏi (4 W và 1 H) sau đây:

WHAT: Cái gì? Tôi định làm gì, trở thành ai, theo đuổi mục đích nào?

WHY: Vì sao? Vì sao tôi theo đuổi ngành này? Vì cha mẹ thúc ép, vì bạn bè rủ rê? Vì nó đang là thời thượng? Hay vì tôi yêu thích, vì nó thật sự có ý nghĩa cho cuộc đời tôi?

WHO: Ai? Ai có liên quan? Trước tiên là tôi? Liệu tôi có đủ năng lực và kiên nhẫn để đeo đuổi mục đích cho đến cùng? Tôi có dễ chán nản hay bỏ cuộc không? Sức khỏe của tôi có tốt đủ để theo đuổi ngành học không?...

Những người có liên quan nghĩ sao? Ai là người hỗ trợ đắc lực cho tôi trong những người thân (Cha mẹ, thầy cô, bạn bè...)? Đâu là trở lực? Nếu bố không đồng ý, làm sao thuyết phục? Nhờ mẹ hay anh chị lớn, hoặc cô chú nói giúp?

WHEN: Lúc nào? Vào thời điểm nào tôi sẽ khởi đầu và kết thúc giai đoạn nào của kế hoạch?

HOW: Bằng cách nào? Tôi sẽ cố gắng tích lũy học phí như thế nào? Tìm học bổng ra sao? Chọn trường nào để học ngoại ngữ tốt nhất? Trình bày ước muốn của mình với cha mẹ ra sao để thành công?

 

*Dùng SWOT để phân tích bản thân:

S-Strenght: Điểm mạnh. Tôi giỏi nhất những điều gì? Điểm mạnh chính là những tính cách cá nhân và những nguồn lực mà bạn khác biệt với nhiều người khác

W-Weakness: Điểm yếu. Tôi cần cải thiện những điều gì? Bất kỳ thói quen hay kỹ năng nào mà bạn thấy cần phải cải thiện hay loại bỏ sẽ được đưa vào mục điểm yếu.

O-Opotunity: Cơ hội. Những gì phù hợp với tôi? Cơ hội bao gồm những lợi ích tiềm năng xuất phát từ môi trường bên ngoài tuân theo xu hướng hiện tại và cách mà bạn khai thác chúng thành lợi thế của bạn.

T- Threat: Thách thức. Những gì cản đường tôi thành công? Thách thức bao gồm những thứ gây cản trở con đường của bạn đi tới thành công. Nó cũng có thể là những điểm mạnh của người khác mà có thể gây thách thức đối với bạn.

 

*Áp dụng SMART vào kế hoạch cuộc đời

Specific: Mục tiêu cụ thể.

Measurable: Mục tiêu có thể đo lường được.

Achievable: Mục tiêu có thể đạt được.

Realistic: Mục tiêu phải thực tế, không viển vông.

Time-bound: Phải có mốc thời gian.

Không phải chỉ lập một kế hoạch lớn, tổng quát mà phải chia nó ra thành nhiều kế hoạch nhỏ theo từng năm, từng sáu tháng, từng tháng và thậm chí từng tuần với công việc và giờ giấc cụ thể.

 

Muốn thực hiện tốt kế hoạch lớn phải hoàn thành kế hoạch nhỏ. Muốn làm chủ cuộc đời mình phải làm chủ bản thân trong việc nhỏ. Sống kỷ luật, làm ra làm, chơi ra chơi, tuân thủ đúng kế hoạch. Dĩ nhiên, không ai có thể thực hiện tốt kế hoạch cuộc đời mình nếu mất đi nghị lực và niềm tin trong cuộc sống. Bên cạnh những kế hoạch đã dự định sẵn, bạn vẫn phải lưu tâm đến những rủi ro có thể gặp phải và tìm cách khắc phục. Vì thế kế hoạch đặt ra vẫn có thể được xem xét lại để hoàn thiện hơn hoặc thay đổi khi cần thiết.

Hồng Nhụy

Địa chỉ: Lầu 6, toà nhà Thiên Sơn, 5-7-9 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Quận 3, TP.HCM

Tel: (028)39 308 776 - Fax: 028 39 30 6767

Email: tuvan@smartpro.vn, sales@smartpro.vn

Chi nhánh: Phòng 14-15A, Tầng 7, Tòa nhà Charmvit Tower - 117 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tel: (024) 37620196