Kinh Tế Các Nước ASEAN Vẫn Tiếp đà Tăng Trưởng
Trong tình hình hiện nay, trước những tác động của nền kinh tế thế giới, kinh tế ASEAN cũng bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên vẫn giữ vững được sự tăng trưởng và là điểm đến của các nhà đầu tư.
Liên tiếp trong nhiều thập kỷ vừa qua, nền kinh tế của các nước thuộc ASEAN đã giữ vững đà tăng trưởng, tạo ra lực phát triển mới và được đánh giá là một trong những thị trường năng động, phát triển bậc nhất thế giới. Trong tình hình hiện nay, trước những tác động của nền kinh tế thế giới, kinh tế ASEAN cũng bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên vẫn giữ vững được sự tăng trưởng, tiếp tục ổn định an ninh, chính trị và là điểm đến của các nhà đầu tư.
Trong vòng ba thập kỷ qua, nhiều nền kinh tế của các nước ASEAN đã phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu, kéo theo sự thay đổi lớn về nhân khẩu học cũng như làm gia tăng tầng lớp trung lưu giàu có ở khu vực này. Mặc dù thời gian gần đây có những biến động về giá dầu mỏ, nhiều nền kinh tế lớn phát triển chậm lại gây ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế các quốc gia ASEAN, song tăng trưởng vẫn là xu thế chủ đạo của nền kinh tế các nước ASEAN năm 2017. Đối với các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm sự tăng trưởng, khu vực ASEAN vẫn là điểm đến tin cậy để có thể mang về những lợi nhuận cho các doanh nghiệp của mình.
Việc nắm được các mục tiêu của ASEAN, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này trong tình hình mới là một bước đi hợp lý và thiết thực đối với các doanh nghiệp. Khu vực này có dân số khoảng 630 triệu người và là nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực châu Á. Nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên ASEAN vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ dự báo sẽ tăng khoảng 5-7% trong năm nay. Indonesia và Philippines cũng được cho là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất năm 2017 do có chiến lược xuất khẩu cũng như ưu tiên thị trường trong nước.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, ngay cả khi ASEAN ít bị tác động trước những diễn biến của kinh tế thế giới do kinh tế của các nước và khu vực như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc phát triển chậm lại thì tổng thương mại nội khối sẽ vẫn duy trì đà phát triển tốt và chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị thương mại của khối này. Điều này có nghĩa là khu vực ASEAN với sức mua đang tăng vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong khi đã đứng vững ở thị trường ASEAN với những điều cơ bản đã được thiết lập, các doanh nghiệp cũng cần phải tính toán mở rộng đến những sân chơi lớn hơn ở khu vực. Thay vì chỉ tập trung phát triển vào các quốc gia ASEAN, các doanh nghiệp có thể xem xét các khu vực mở rộng của ASEAN và Nam Á, nơi chiếm tới 1/3 dân số thế giới. Theo Ngân hàng thế giới, mỗi tháng khu vực này có khoảng 1 triệu người gia nhập lực lượng lao động. Đến năm 2030, ASEAN và Nam Á sẽ là khu vực tập trung của hơn 1/4 số người trong độ tuổi lao động của thế giới.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thương mại giữa Đông Nam Á và Nam Á đã tăng từ mức 4 tỷ USD vào năm 1990 lên 90 tỷ USD vào năm 2013. Trong giai đoạn này, thị phần Đông Nam Á của khu vực Nam Á chỉ tăng nhẹ từ 11% lên đến đến 12%, trong khi thị phần Nam Á của khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp đôi từ 2% lên đến 4%. Xu hướng này cho thấy có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển hơn nữa.
Các doanh nghiệp khu vực ASEAN thường có xu hướng kinh doanh ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á hơn là ở khu vực Nam Á, bởi vì họ chưa hiểu biết nhiều về khu vực này cũng như thiếu sự kết nối. Trong một thế giới kinh doanh đầy biến động hiện nay, việc các doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển ở khu vực mình mà không tiến hành việc khảo nghiệm, mở rộng đầu tư ra bên ngoài sẽ là thiếu sót để duy trì đà tăng trưởng.
Chúng ta hãy xem xét chính sách thu hút đầu tư của một số quốc gia khu vực Nam Á. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã giới thiệu những chính sách ưu đãi của nước này đối với các nhà đầu tư nước ngoài và Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cũng đang tích cực thực hiện việc cải cách hành chính, luật pháp theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, làm ăn tại quốc gia này, bên cạnh đó chính phủ Bangladesh trong những năm gần đây cũng đang tích cực tạo dựng môi trường đầu tư trở nên cởi mở và mang tính cạnh tranh nhiều hơn.
Ngoài ra, khu vực này cũng có thể đóng vai trò là trung tâm gia công của thế giới khi vấn đề chi phí nhân công của khu vực Đông Á và Đông Nam Á ngày càng gia tăng. Mức lương tối thiểu của khu vực Nam Á thuộc loại thấp nhất thế giới. Với mức lương tối thiểu hàng tháng là 150 USD ở Ấn Độ và khoảng 70 USD tại Bangladesh, Nepal và Sri Lanka, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với một lực lượng lao động dồi dào với việc giao tiếp bằng tiếng Anh là phổ biến.
Các dòng vốn đầu tư dự kiến sẽ tới Nam Á và khu vực Đông Nam Á cũng sẽ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này. Hiện nay Trung Quốc đang có tham vọng hồi sinh con đường thương mại cổ xưa mang tên “Một vành đai, một con đường” kéo dài từ châu Á đến châu Âu. Việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp cho cả hai khu vực Đông Nam Á và Nam Á phát triển trong bối cảnh mà chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có dấu hiệu gia tăng ở một số quốc gia. Các doanh nghiệp của ASEAN đang phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu bị chậm lại, chi phí cho sản xuất gia tăng. Do đó, việc mở rộng kinh doanh đối với khu vực Nam Á có thể sẽ là giải pháp để khắc phục được tình trạng này. Hiện tại có rất nhiều tiềm năng cho sự hợp tác, kinh doanh giữa khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Thông qua hợp tác làm ăn kinh tế sẽ giúp cho các khu vực này có sự kết nối lớn hơn, điều đó cũng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Phát triển được mạng lưới giao thông vận tải cũng như cơ sở hạ tầng tốt sẽ giúp các quốc gia này thuân lợi hơn trong việc buôn bán, giao lưu, làm ăn với nhau.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) số vốn đầu tư ước tính khoảng 73,1 tỷ USD đối với các dự án kết nối giữa khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Đối với khu vực châu Á rộng lớn hơn, ADB dự báo cần đến số tiền khoảng 8.000 tỷ USD tính từ đầu thập kỷ đến năm 2020 để đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng. Tương tự, có những cơ hội cho sự hợp tác công-tư trong lĩnh vực tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp và doanh nhân “hướng Nam”. Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ để tăng cường và tích hợp các thị trường tài chính nhằm kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường khu vực Nam Á.
Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang có nhu cầu lớn để tiếp cận nguồn tài chính phục vụ cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc tập trung vào phát triển thị trường trái phiếu địa phương và khu vực sẽ cung cấp một sự lựa chọn thay thế để các doanh nghiệp loại này tăng cường hội nhập với thị trường khu vực Nam Á cũng như Đông Nam Á.
Năm 2017 hứa hẹn sẽ còn nhiều biến chuyển về kinh tế thế giới cũng như của khu vực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Đông Nam Á cũng như Nam Á để duy trì lợi nhuận. Tăng trưởng sẽ giúp hơn 2,4 tỷ người trong độ tuổi lao động có điều kiện cải thiện cuộc sống. Để có thể duy trì và phát triển tốt hơn đòi hỏi các doanh nghiệp cần có tầm nhìn rộng hơn, mạnh dạn trong việc mở rộng đầu tư kinh doanh đối với những thị trường tiềm năng. Chính điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều khó khăn.
Bài viết đăng trên “Bưu điện Jakarta”.
Tác giả là chuyên gia kinh tế Anna Marrs, Giám đốc ngân hàng Standard Chartered Bank khu vực Đông Nam Á và Nam Á.