Phương Pháp Quản Lý Tài Chính Cá Nhân JARS

Phương pháp Quản lý Tài chính cá nhân JARS được phát minh bởi T. Harv Eker (tác giả quyển Secret of Millionaire Mind) là bậc thầy về diễn thuyết, đã thiết kế hàng chục khoá học ngắn và dài hạn về phát triển cá nhân. Ông được mệnh danh là “Trainer Of Trainers”

Người nghèo: Tiết kiệm = Thu nhập – Chi phí

Người giàu: Chi phí = Thu nhập – Tiết kiệm

 

Phương pháp JARS là phương pháp những cái hũ, bởi tiền của bạn sẽ được chia đều cho 6 cái hũ tượng trưng cho 6 tài khoản cá nhân. Hãy hình dung khi bạn nhận được thu nhập mỗi tháng (có thể là tiền lương, hoặc tiền từ bố mẹ, hoặc bất cứ nguồn thu nào khác, ít hay nhiều không quan trọng). Số tiền đó sẽ được chia cho các hũ được dánh dấu như  sau với số phần trăm tương ứng.

 

Phương pháp quản lý tài chính cá nhân Jars

  • NEC (Neccessities) – Tài khoản chi tiêu cần thiết – 55%
  • LTSS (Long Term Saving for Spending) – Tài khoản tiết kiệm tiêu dùng cho tương lai –10%
  • EDU (Education) – Tài khoản giáo dục – 10%
  • FFA (Financial Freedom) – Tài khoản tự do tài chính – 10%
  • PLAY – Tài khoản hưởng thụ – 10%
  • GIVE – Tài khoản từ thiện – 5%

Khi bạn nhìn vào những tài khoản trên, có thể bạn sẽ thắc mắc là có vẻ 1 số tài khoản nó hơi trùng lập với nhau, nhưng thật sự thì mỗi tài khoản đều có mục đích và tác dụng riêng đấy.

 

Phương pháp quản lý tài chính cá nhân Jars

 

1. NEC – tài khoản chi tiêu cần thiết 55%

Đây là tài khoản tiêu dùng cho những chi phí cần thiết của bạn, như là ăn uống, đi lại, kể cả mua sắm những thứ cần thiết cho bản thân. Có thể bạn sẽ thắc mắc là nhu cầu mỗi người khác nhau, liệu 55% có thể đủ hay không. Thật sự là thống kê cho thấy thì 55 – 60% này sẽ là đủ đối với thu nhập của bạn, nếu bạn thấy bạn cần nhiều hơn nữa, chứng tỏ việc chi tiêu của bạn chưa hợp lý.

 

Tác dụng của tài khoản này là để cho bạn biết được giới hạn chi tiêu của mình là bao nhiêu, từ đó bạn sẽ thay đổi lối sống cho phù hợp với điều kiện của mình. Còn khi bạn chưa bao giờ lên kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ thường xuyên chi tiêu vô tội vạ và lấn vào các tài khoản khác.

 

2. LTSS – tài khoản tiết kiệm tiêu dùng cho tương lai 10%

Tài khoản này bạn sẽ phải để dành một khoảng thời gian khá lâu để cho những chi tiêu lớn trong tương lai. Ví dụ như khi còn đi học, bạn muốn sắm chiếc điện thoại mới, hay mua chiếc laptop, thì đây là khoản mà bạn để dành cho những chi tiêu đó (vì nó lớn đối với bạn). Hoặc khi bạn đã đi làm, thì khoản này để cho bạn dành dụm mua những món lớn hơn như là sắm xe, mua nhà, dành dụm cho đám cưới v.v…

Tác dụng của tài khoản này là để bạn thấy rõ được mục đích mình đang nhắm tới là gì, và sẽ tiết kiệm tiền từ từ cho việc đó. Những khoản chi tiêu lớn như này, bạn cần có kế hoạch lâu dài chứ không nên để tới lúc đó mới mang hết tiền của mình ra mua, khi đó sẽ ảnh hưởng tới những khoản chi tiêu khác của bạn.

 

3. EDU – tài khoản giáo dục 10%

Đây là tài khoản giáo dục cho chính bạn, tức là để cho bạn nâng cấp bản thân. Tài khoản này có thể được chi tiêu vào các khoản như tham gia các khoá học nâng cấp bản thân, mua sách hoặc tài liệu học tập, … Và hãy nhớ đây là tài khoản giáo dục cho chính bạn, bạn phải chi tiêu hợp lý để nâng cấp bản thân liên tục, có như vậy bạn mới đảm bảo được giá trị bản thân.

Tác dụng của tài khoản này là bắt bạn phải liên tục đầu tư vào chính bản thân mình, bởi đây chắc chắn sẽ là khoản đầu tư sinh lời nhất của bạn sau này.

 

4. FFA – tài khoản tự do tài chính 10%

Có thể khái niệm này rất mới đối với bạn, nói đơn giản thì đây là tài khoản dùng để đầu tư sinh lợi nhuận. Có nhiều cách để đầu tư nhưng ví dụ bạn có thể dùng để chơi chứng khoán, hoặc để dành khi nào nhiều nhiều có thể hùn vốn làm ăn với bạn bè, hay mở một cửa hàng nhỏ, thậm chí là mở công ty.

 

Tác dụng của tài khoản này là để cho bạn lúc nào cũng có sẵn 1 sô tiền cho những mục đích đầu tư trong tương lai, chứ không phải tới lúc cần bạn mới đi gom tiền. Và lý do mà tên tài khoản này là Financial Freedom (Tự do tài chính) là bởi vì chỉ có đầu tư (hợp lý và hiệu quả) thì mới có thể giúp bạn làm giàu, và đạt được tới Financial Freedom. Khi mà tiền lợi tức từ những thương vụ đầu tư của bạn đủ để chi trả hết các khoản chi tiêu trong cuộc sống của bạn, thì lúc đó bạn không cần phải đi làm mà vẫn có thể sống thoải mái.

 

5. PLAY – tài khoản hưởng thụ 10%

Đây thật sự là tài khoản để bạn xài để thỏa mãn nhu cầu xa xỉ của bản thân. Có thể bạn cần một cái áo mới (chỉ là tại vì bạn thích, chứ không phải vì nhu cầu), mua đĩa game, đĩa nhạc mới. Thậm chí là để đi du lịch, ăn uống bù khú với bạn bè. Và hãy nhớ, đây là khoản tiêu xài BẮT BUỘC, cho dù bạn đang cực kỳ dè sẻn chi tiêu, nhưng phải luôn để ra một khoản cho chính bản thân bạn. Khoản này có thể gom lại vài ba tháng để xài một lần, nhưng bạn ko được để đó quá lâu.

 

Tác dụng của tài khoản này là để cho bạn tự thưởng cho bản thân (sau một thời gian cực khổ kiếm ra tiền), và chỉ có bạn được hưởng thụ tiền của mình kiếm ra thì bạn sẽ có nhiều động lực hơn nữa để kiếm thêm nhiều tiền.

 

6. GIVE – tài khoản từ thiện 5%

Đây là tài khoản để bạn đem cho người khác, có thể là đi quyên góp từ thiện, giúp các trẻ em nghèo. Có rất nhiều những hoạt động mà bạn có thể dành số tiền này vào. Nhưng bạn luôn phải nhớ dành ra 1 khoản để giúp đỡ người khác.

 

Tác dụng của tài khoản này là theo Law Of Attraction khi bạn cho đi, bạn sẽ được nhận về … khi giúp được người khác, tất nhiên bạn sẽ vui hơn nhiều. Nhưng đối với chính bản thân bạn thì nó cũng sẽ giúp cho bạn nhận được những món tiền nhiều hơn trong tương lai đấy nhé.

 

LƯU Ý:

Vấn đề cho tiền vào các lọ này cần được thực hiện hàng ngày, tôi nói là HÀNG NGÀY. Nếu bạn làm hàng ngày nhưng số tiền chỉ tăng vào mỗi cuối tháng, tức là bạn đang chỉ làm công, ăn lương. Hãy tìm kiếm thêm các nguồn thu nhập thụ động khác để bổ sung nguồn thu của mình mỗi ngày.

 

Quỹ Hưởng thụ PLAY cần được tiêu dùng liên tục, nó phải hết vào mỗi cuối tháng. Nếu nó thừa tiền, bạn cần cân bằng lại cuộc sống của mình bằng cách nghĩ tới việc chăm sóc cho bản thân mình, nếu nó thiếu, bạn cần tập trung cho việc kiếm tiền của mình.

 

Quỹ tự do tài chính FFA, bạn không bao giờ được tiêu tiền trong quỹ này, chỉ dùng nó để đầu tư tạo ra thu nhập thụ động.

Sưu Tầm theo Be Rich

Địa chỉ: Lầu 6, toà nhà Thiên Sơn, 5-7-9 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Quận 3, TP.HCM

Tel: (028)39 308 776 - Fax: 028 39 30 6767

Email: tuvan@smartpro.vn, sales@smartpro.vn

Chi nhánh: Phòng 14-15A, Tầng 7, Tòa nhà Charmvit Tower - 117 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tel: (024) 37620196